[Học văn lớp 9]
Tại một khu rừng nọ, nhằm tìm ra những con vật tài giỏi để giao trọng trách, người ta tổ chức một kỳ thi với sự tham gia của các con vật tại đó, gồm: Quạ, Khỉ, Chim cánh cụt, Voi, Cá, Hải cẩu và Chó.
Khi cả bọn đông đủ, vị giám thị ra đề: “Để công bằng, tất cả phải làm chung một bài kiểm tra: Hãy leo lên cái cây kia!”
Cuộc thi bắt đầu. Quạ thi đầu tiên và tạo được sự bất ngờ vì sự giỏi giang của mình, nó chọn con đường nhanh nhất là bay thẳng lên đỉnh cây.
Giám thị coi thi phán rằng: “Con rất tài giỏi, chọn con đường nhanh nhất, ngắn nhất, không theo một trình tự nào và tới được đỉnh cây chỉ trong vài giây, con được 10 điểm.”
– “Cảm ơn thầy, đó là điều hiển nhiên.” – Quạ đáp.
Đến phiên Khỉ thi, nó rất tự tin vì ngày nào nó chả trèo hết cây này đến cây khác. Khỉ chỉ cần khởi động nhẹ nhàng và vặn mình trèo lên cây. Chốc lát Khỉ đã chễm chệ trên tận đỉnh.
Thầy giám thị vui vẻ chấm:
– “Con làm tốt lắm, đi theo trình tự, theo đúng bài bản và đã leo lên được đỉnh cây nhưng con không có sự thông minh hay năng khiếu, con chỉ có ý chí và cần cù nên con cũng thành công. Ta cho 9 điểm.“
– “Cảm ơn thầy, cần cù, chăm chỉ là một phần của thành công ạ.” – Khỉ đáp.
Đến phiên mình, Chim cánh cụt rụt rè, run rẩy sợ hãi khi thấy cái cây quá to và cao. Bỗng nhiên, Voi lên tiếng:
– “Thưa, con xin phép cho con thi trước được không ạ?”
– “Ta đồng ý.” – Giám thị trả lời.
Thế là Voi thay Chim cánh cụt thi trước. Voi dùng cả thân hình đồ sộ của mình húc liên tục vào thân cây, khiến thân cây bật gốc xuống, ngã dài ra mặt đất.
Thầy giám thị tức tối: “Cậu làm cái quái gì thế? Định phá kỳ thi của ta sao?”
– “Dạ, không ạ, đó chỉ là cách của con, mặc dù có tổn hại nhưng con vẫn hoàn thành bài thi.”
Voi ung dung đi từ gốc cây đến đỉnh cây. Và lần lượt từ Chim cánh cụt, Hải cẩu và Chó chỉ cần leo lên thân cây và đi từ gốc đến đỉnh cây 1 cách dễ dàng và về đích hoàn thành bài thi.
Nhưng riêng cá thì không thể, nó không thể nào ra khỏi bể để làm bài kiểm tra giống như các bạn mình, Quạ và Khỉ nhìn khinh khi, dè bỉu, giám thị cũng liên tục hối thúc không chút cảm thông.
Cá buồn lắm và tự trách mình thật tệ hại, kém cỏi so với người khác, một cảm giác bất tài, vô dụng choán tâm trí nó. Ý định nảy sinh trong đầu cá bây giờ là chết để được giải thoát, một kẻ bất tài thì chết cũng có gì đáng tiếc chứ.
Nhưng khi cá chưa kịp làm gì, bỗng nó thấy cả nhóm Voi, Chim cánh cụt, Hải cẩu và Chó cùng nhau đẩy cái cây xuống dòng sông gần đó, rồi nhanh chóng, bọn chúng đưa cá đến gần sông thả xuống nước và từ đó cá cũng bơi từ gốc lên đỉnh cây và hoàn thành bài kiểm tra một cách đầy hạnh phúc.
=> Bài học:
+ Hiểu bản thân mình là ai, năng lực sở trường là gì, đó là việc cần làm đầu tiên trước khi chọn nghề, chọn việc. Nếu bạn là cá, thay vì trèo cây, bạn sẽ phát triển nhanh nhất khi chọn môi trường nước và học cách bơi.
+ Nếu là voi, hãy trợ giúp đồng nghiệp của mình phát huy năng lực bằng cách giúp họ sử dụng sở trường.
+ Đừng như quạ và khỉ, coi chừng có ngày rớt xuống nước và phải cầu cứu cá – cái đứa mình vừa dè bĩu hôm qua.
+ Cuối cùng: Nếu là sếp, trong quản lý nhân sự, cần năng lực thấu hiểu nhân viên, biết họ có thể làm gì để bố trí sao cho năng suất tối ưu nhất. Nếu là cha mẹ, đừng so sánh cứng nhắc con mình với con người khác. Thay vì chửi con ngu, bất tài, vô dụng, hãy giúp con tìm ra đất sống của mình.
( Nguồn: TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu )

[Wikipedia]