[Học văn lớp 9]
Đề bài: Trong bài “Bàn về đọc sách”, Chu Quang Tiềm có viết:
“Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn. Bởi vì học vấn không chỉ là việc cá nhân, mà là việc của toàn nhân loại”.
Từ đó, em có suy nghĩ gì về việc đọc sách của thế hệ trẻ ngày nay?
=> GỢI Ý CÁCH LÀM
1. Đặt vấn đề:
Nói về tầm quan trọng của việc đọc sách, Chu Quang Tiềm đã khẳng định: “…đọc sách là một con đường quan trọng của học vấn”.
Tuy nhiên, việc đọc sách của giới trẻ ngày nay bên cạnh mặt tích cực vẫn còn rất nhiều vấn đề đáng lo ngại.
2. Thực trạng:
* Mặt tích cực:
Nhiều bạn trẻ yêu thích đọc sách, trân trọng, nâng niu sách, tranh thủ mọi lúc mọi nơi để đọc sách. Họ coi đọc sách là một niềm say mê, một niềm vui không thể thiếu trong cuộc sống. Bên cạnh những đầu sách trong nước, họ còn tìm kiếm các đầu sách nước ngoài, thuộc nhiều lĩnh vực để đọc. Nhờ văn hóa đọc mà họ có nền tảng kiến thức sâu rộng ( D/c thần đồng Đỗ Nhật Nam )
* Mặt tiêu cực:
+ Bên cạnh đó, đại đa số giới trẻ ngày nay đang thờ ơ với việc đọc sách. Họ dành nhiều thời gian để lên mạng xã hội, lướt web, facebook và tìm nhiều trò chơi giải trí. Đặc biệt, khi được giao bài tập về nhà, thay vì tìm tòi tư liệu trong những cuốn sách, các bạn học sinh lên mạng xã hội để tra cứu đáp án. Trên đó, các bạn có thể tìm thấy thông tin một cách nhanh chóng, nhưng kiến thức không sâu, chưa kể đến việc kiến thức đó chưa được kiểm duyệt. Điều này gây ra một tình trạng báo động: học sinh lười đọc sách nhiều chữ.
+ Nếu được hỏi 3 cuốn sách gần đây nhất mà bạn từng đọc là gì, chắc chắn có không ít những cái lắc đầu cho qua. Một tháng, trung bình một người Nhật Bản đọc được vài chục cuốn sách. Còn ở Việt Nam, theo báo điện tử Vietnamnet đưa tin, một năm người Việt chỉ được 4 đầu sách, chỉ bằng 1/5 lượng sách đọc được của người Nhật. Người Nhật tranh thủ đọc sách ở mọi nơi, mọi lúc: đợi xe buýt, chờ máy bay…Còn người Việt, thậm chí lúc chờ đèn đỏ giao thông, họ cũng lấy điện thoại di động ra lên mạng xã hội.
+ Giới trẻ ngày nay thích đọc sách mang tính giải trí như truyện tranh, truyện ngôn tình…mà ít đọc sách về văn hóa, lịch sử, khoa học, kĩ năng…Nếu có dịp ghé qua hội chợ sách, ta chỉ thấy các gian hàng truyện tranh là thu hút số người tham gia đông nhất. Giới trẻ ngày nay cũng gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn sách hay.
3. Nguyên nhân:
– Do sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Đặc biệt, giới trẻ là đối tượng rất dễ bắt nhịp với cái mới lạ, thích làm theo số đông, họ cũng chưa đủ chín chắn để phân biệt cái nên và không nên làm.
– Nhiều bạn trẻ với lịch học trên lớp, lịch làm việc quá dày đặc, không có thời gian dành cho việc đọc sách.
– Do nhà trường, xã hội, gia đình, chưa tạo được hứng thú đọc sách cho các bạn trẻ.
– Do sự lười biếng của bản thân.
4. Hậu quả:
– Văn hóa đọc xuống thấp dẫn đến hậu quả giới trẻ thiếu hụt kiến thức khoa học,văn hóa, xã hội. Lâu dần, đất nước ta sẽ lạc hậu, yếu kém. Những người không có trình độ học thức sẽ trở thành vấn nạn, áp lực cho xã hội.
– Thế giới tâm hồn trở nên khô cạn, gây ra căn bệnh vô cảm.
– Hạn chế sự phát triển ngôn ngữ.
5. Giải pháp:
– Tổ chức ngày hội đọc sách, hội thảo giới thiệu sách hay, các buổi trò chuyện định hướng cách đọc sách đúng.
– Nhà trường, các bậc cha mẹ khuyến khích việc đọc sách cho học sinh.
– Quản lí, kiểm duyệt chặt chẽ các đầu sách được xuất bản ra thị trường.
– Bản thân mỗi người nên có ý thức đọc sách…
6. Liên hệ bản thân:
– Đọc sách rất quan trọng. Đó là con đường ngắn nhất để lĩnh hội kiến thức.
– Tăng cường đọc sách, mở rộng các loại sách về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.
– Xây dựng và duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày, lựa chọn những cuốn sách mình yêu thích và phù hợp với bản thân. Bởi đọc sách không chỉ là mở rộng hiểu biết, mà nó còn “mở rộng trước mắt ta những chân trời mới” (M.Gorki)
#30p_học_văn9_mỗi_ngày #học_văn_cùng_anh_chí_hướng #học_văn_lớp_9.

[Wikipedia]