Wikipedia

Loading...

Wikipedia

section-icon

Forum Wikipedia

Trang diễn đàn Việt Nam, trang kiến thức chọn lọc cho mọi người

Welcome To

HÌNH ẢNH CON THUYỀN, NGƯỜI DÂN CHÀI TRONG BÀI THƠ QUÊ HƯƠNG – TẾ HANH

Forums Văn học lớp 9 HÌNH ẢNH CON THUYỀN, NGƯỜI DÂN CHÀI TRONG BÀI THƠ QUÊ HƯƠNG – TẾ HANH

Viewing 1 post (of 1 total)
  • Author
    Posts
  • [Học văn lớp 9]
    🌿

    Trong bài thơ Quê hương, hình ảnh con thuyền khi ra khơi đánh cá được miêu tả với một tư thế kiêu hãnh, hiên ngang. Nhà thơ chỉ miêu tả thuyền chứ không miêu tả người nhưng tầm vóc, động tác, tình cảm, ý chí của con người đều lộ rõ. Đây chính là sự kì diệu cửa hồn thơ Tế Hanh. Chỉ cần chọn vài chi tiết, động tác nhà thơ đã vẽ nên được bức ảnh ảo mà không phải ai cũng hình dung nổi:

    Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
    Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang.

    Chiếc thuyền vốn là vật “vô tri” nhờ được so sánh với “con tuấn mã” nên đã có hồn, có sự tự chuyển động. Thuyền về bản chất thì chẳng thể nào tự chuyển động như ngựa mà bao giờ cũng phải có người chèo, có sức gió thổi căng buồm hoặc là máy móc ở thời hiện đại… Thế mà nay, bằng cách giấu đi chủ thể của động tác “phăng mái chèo” là trai tráng, Tế Hanh đã tạo nên sự tiếp nối hành động một cách độc đáo: chiếc thuyền – con tuấn mã – phăng mái chèo. Nhờ thế, chủ thể phăng mái chèo hiện lên trực tiếp trong tâm trí người đọc sẽ là con thuyền. Con thuyền có khả năng tự chèo hệt như động tác của con người.

    Vẻ hùng dũng của con người được khắc hoạ qua các động từ “hăng”, “phăng” và “vượt”. Lưu ý là chỉ trong một câu thơ tác giả sử dụng đến hai động từ và cả hai động từ ấy đều thuộc dạng động từ biểu lộ sắc thái mạnh: phăng, vượt và giữ vị trí trung tâm của hai động từ ấy là tính từ: mạnh mẽ. Nhờ sử dụng biện pháp tỉnh lược chủ ngữ và sử dụng một lúc hai động từ trong một câu thơ nên trường liên kết ngữ nghĩa của câu thơ rất linh hoạt, độc đáo. Mạnh mẽ ở đây cùng lúc có thể bổ nghĩa cho cả ba đối tượng. Cụ thể như sau: phăng mạnh mẽ; mái chèo mạnh mẽ; vượt mạnh mẽ.

    Tuy nhiên, tầm vóc của con thuyền khi mái chèo bổ xuống cũng chỉ là tầm vóc của một con thuyền bình thường được điều khiển bởi những con người bình thường. Phải đến hai câu tiếp theo con thuyền ấy mới được nâng lên tầm vũ trụ: Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng/Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…
    Hai cặp câu miêu tả chiếc thuyền đều được bắt đầu bằng sự so sánh. Nếu ở so sánh đầu, đối tượng được so sánh là cụ thể (như con tuấn mã) thì ở so sánh sau, đối tượng được so sánh là trừu tượng (như mảnh hồn làng).

    Hồn thì rõ ràng không có hình hài, màu sắc. Nhưng khi gọi mảnh hồn và gắn nó với cánh buồm thì chút hồn quê bình dị ấy bỗng trở nên cụ thể, rõ nét. Với dân chài thì con thuyền, mái chèo, cánh buồm là những hình ảnh biểu trưng cao cho sinh hoạt ngày thường của họ. Tất cả đều có thể là biểu tượng lưu giữ hồn quê ấy. Hồn đó có thể hiểu là tâm hồn, linh hồn hoặc tinh thần của làng chài kia.
    Ở đây đã có sự đối lập – một biện pháp nghệ thuật mà các nhà thơ lãng mạn luôn thích dùng. Tế Hanh lấy sự nhỏ bé, khiêm nhường, hữu hạn để đi đong đo, bao quát cái kì vĩ, vô hạn. Ấy là mảnh hồn làng với thâu góp gió. Dĩ nhiên, để có thể thâu góp gió thì cánh buồm đó đã phải rướn thân lên. Biện pháp nhân cách hoá được vận dụng thích đáng. Cánh buồm cũng như con thuyền đều chủ động trước hành động của mình. Chữ rướn ấy một mặt hoà nhịp với sự hiên ngang của động tác phăng và vượt, mặt khác cho thấy sự cần cù nhẫn nại và sự gắng sức của khung cảnh lao động. Hình tượng thơ phi thường. Cánh buồm không đợi gió thổi căng mà chủ động thâu góp gió đễ tự làm no buồm. Thật đáng khâm phục. Làm được điều đó không phải là cánh buồm bình thường. Đây đích thực là cánh buồm – mảnh hồn làng, mảnh hồn của thi nhân đang hoài niệm về miền quê yêu dấu.

    Thi nhân chỉ đặc tả con thuyền lúc đi và lúc về. Lúc đi thì hùng tráng nhưng không có âm thanh. Hình ảnh trai làng và con thuyền ra khơi được khắc hoạ bằng động tác và màu sắc (trắng). Cái nhìn miêu tả của thi nhân lúc ấy là cái nhìn của hội hoạ. Con thuyền lúc trở về là vào ngày hôm sau. Thời gian đổi khác nên khung cảnh làng quê cũng khác. Lúc này đã xuất hiện âm thanh, cái nhìn lúc này là cái nhìn của điện ảnh. Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ/ Khắp dân làng tấp nập đón ghe về. Nghệ thuật miêu tả của Tế Hanh là liên tục mở rộng thêm không gian và tăng số lượng người. Nếu lúc ra đi dân làng chỉ có trai làng. Lúc về thì có “khắp dân làng”. Càng đông người, khung cảnh càng trù phú, đông vui. Thêm vào đó là tiếng “ồn ào”, là khung cảnh “tấp nập”. Ghe về trong sự tấp nập, chứng tỏ đoàn thuyền đã đánh được nhiều cá. Chuyến ra khơi bình an: Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe. Thành công của chuyến đi biển được kết hợp giữa hai yếu tố: nỗ lực lao động của con người và sự bình yên của biển cả. Câu thơ được đặt trong ngoặc kép là lời khấn nguyện của các ngư dân trước khi ra biển. Lời khấn nguyện cho thấy lòng thành của họ trước sức mạnh khủng khiếp của tự nhiên (ở đây là bão tố, sóng thần). Mặt khác, lời khấn nguyện còn cho thấy khung cảnh yên bình hoà hợp giữa trời đất và con người. Biển cả trong những lúc như thế là một bà mẹ hiền đúng nghĩa.

    Ngay sau lời khấn nguyện ấy, ba chủ thể bình yên xuất hiện:

    Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.
    Dân chài lưới, làn da ngâm rám nắng.
    Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm.

    Chiếc thuyền, người đánh cá và cá trở thành hệ khép kín của trường liên tưởng nghệ thuật. Đặc biệt là với thơ điền viên thiên về hồi tưởng, kể lể. Hơn thế nữa, con người và dụng cụ lao động được miêu tả tỉ mỉ bằng cảm hứng ngợi ca, đầy ắp tình cảm thiết tha. Những con cá được bắt về thì “tươi ngon thân bạc trắng”, hãy còn rất tươi, đượm hương vị biển. Con người sau hành trình chinh phục đại dương cũng trở nên cứng cáp và từng trải hơn: Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng,/ Cả thân hình nồng thở vị xa xăm. Đây là hai câu thơ khắc hoạ hình ảnh người dân chài hay bậc nhất trong thi ca Việt. Người dân chài hiện lên bình dị, chân chất. Ai đi biển mà da không bị rám nắng? Màu da này vừa gợi sự nhọc nhằn nhưng vẫn hàm chứa sự ngợi ca về sức khoẻ, một sức khoẻ dãi dầu nắng mưa. Không chỉ miêu tả sắc da bên ngoài, nhà thơ còn chú ý đến cả mùi vị biển trong đường gân thớ thịt, trong nhịp thở của chàng ngư dân. Với cách miêu tả cả bề ngoài lẫn chiều sâu của tâm hồn, da thịt, hình tượng người dân chài của Tế Hanh đã trở thành một phần của biển khơi. Hoà trong hương vị biển ngàn đời nồng mặn (nồng thở) như khối tình của kẻ tha hương vẫn luôn đau đáu về chốn quê nhà, người dân chài của Tế Hanh đã mang tâm hồn biển cả, mang tâm hồn vũ trụ, bởi thế họ thật vĩ đại dẫu chỉ hiện lên trong vóc dáng bình thường.

    Cả con thuyền cũng thấm đẫm hương vị biển:

    Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
    Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

    Con thuyền nghe “chất muối”, con thuyền im, bến mỏi, … biện pháp nhân cách hoá lại được vận dụng thành công. Đang nói chuyện con người hoà mình trong tự nhiên, thi nhân lại chuyển sang nói chuyện con thuyền mệt mỏi sau hành trình xa khơi, sau một ngày lao động vất vả. Không nói con người mệt mỏi mà nói con thuyền mệt mỏi, Tế Hanh gián tiếp nhấn mạnh nỗi nhọc nhằn của người lao động và tạo ra sự gắn kết mật thiết giữa người – biển – thuyền. Câu thơ “Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm’’ có một cấu trúc thật đặc biệt. Diễn đạt theo lối thông thường sẽ là Chiếc thuyền (mệt) mỏi trở về nằm im (trên) bến. Chỉ cần lược bỏ một vài từ và đảo vị trí của từ im, từ bến câu thơ ngay lập tức đã mang một sắc thái lạ. Sắc thái này còn được tạo nên từ cách ngắt nhịp câu thơ và cách sử dụng động từ. Sẽ rất khó tìm thấy một câu thơ nào lại có nhiều động từ như thế: im, mỏi, trở về, nằm. Toàn bộ câu thơ tám chữ thì chỉ có hai chữ không là động từ. Mật độ dày đặc động từ đã tạo nên nhiêu khả năng biểu cảm cho hình tượng. Nếu kết hợp cả câu thì “chiếc thuyền” là chủ thể của các động thái: im (chiếc thuyền im), mỏi (chiếc thuyền mỏi), trở về (chiếc thuyền trở về), nằm (chiếc thuyền nằm). Nhưng nếu tách ra theo nhịp ngắt của câu thơ 3 /2 /3 thì ta sẽ có những tứ thơ khác lạ: “chiếc thuyền im” được đặt nối tiếp với “bến mỏi trở về nằm”. Lúc này câu thơ có hai chủ thể và cả thuyền lẫn bến đều cùng làm danh từ chủ ngữ cho các động từ vị ngữ kia.

    Tình thật, Tế Hanh khi viết câu thơ (hay cả bài thơ) đều không cố ý dụng công hoặc Tây hoá lộ liễu về mặt câu chữ. Bởi lẽ ông là thi sĩ của cảm xúc đồng quê. Vốn bộc trực và thật thà nên câu chữ của ông hồn hậu, dung dị. Nhưng ngay trong chính sự lặng lẽ của những vần thơ biển cả ấy, vẫn chất chứa cả khối tài sản Tây học, Hán học, cả chiều sâu triết học – bộ môn khoa học mà sau này ông chọn nghiên cứu. Nhờ vậy, trên bề mặt Tế Hanh như kể mọi chuyện lặng lẽ theo cảm xúc, theo ấn tượng chợt đến, nhưng đằng sau đó là cả sự cách tân ngôn từ rợn ngợp suốt cả miền thơ ca lãng mạn xưa..

    (VH&TT số 2 (253) năm 2012)

    Theo GS. TS. LÊ HUY BẮC


    [Wikipedia]

1

Voice

0

Replies

Tags

This topic has no tags

Viewing 1 post (of 1 total)
  • You must be logged in to reply to this topic.