[Học văn lớp 9]
Gợi ý theo wikipedia – Fanpage Học văn lớp 9
Câu 2: Gợi ý mang tính chất tham khảo nên hơi dài một chút xíu, các em có thể rút ngắn lại để phù hợp với yêu cầu của đề bài nhé ^^
Có ai đó nói rằng: “Người hạnh phúc nhất là người mang lại hạnh phúc cho nhiều người nhất”. Phải chăng câu nói ấy chính là một cách ngầm khẳng định rằng “Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là cuộc sống đáng quý” (A.Einstein)
1. Giải thích “sống vì người khác” là gì?
– Cuộc sống vì người khác là cuộc sống mà ở đó con người dành nhiều sự quan tâm, tình cảm, những chăm lo về vật chất, tinh thần cho người khác, biết chấp nhận cả những thiệt thòi, thua kém để người khác có được niềm vui, hạnh phúc, thành công.
2. Biểu hiện “Người biết sống vì người khác” là người như thế nào?
Người biết sống vì người khác là người luôn tỏ rõ sự quan tâm, chăm lo đến cuộc sống của người khác, cả vật chất lẫn tinh thần. Họ luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ, động viên, chia sẻ. Họ cũng là người có tấm lòng vị tha, độ lượng, bao dung mỗi khi người đó mắc lỗi.
3. Ý nghĩa của việc biết sống vì người khác?
– Cuộc sống rất cần phải nương tựa vào nhau và luôn luôn chia sẻ bởi không phải ai cũng mạnh mẽ và không phải lúc nào cuộc sống cũng thuận lợi. Trong cuộc sống, con người cần biết sẻ chia, sống cho người khác để mang đến cuộc sống hạnh phúc không chỉ cho mình mà còn cho những người xung quanh.
– Sống là cho đi, khi chúng ta có ý thức sẻ chia chúng ta không chỉ giúp đỡ được những người xung quanh mà còn làm cho mối quan hệ trở nên khăng khít, bền chặt và gắn bó.
– Khi sống vì người khác, con người trở nên bao dung, vị tha hơn.
( Dẫn chứng: Tình yêu thương của con người Việt Nam dành cho nhau trong đại dịch Covid, những dự án vì cộng đồng “Nhà chống lũ”, “ATM gạo – khẩu trang – bình oxy”, Giáo sư Sarah Gilbert người sáng chế thành công vaccine astrazeneca…)
4. Mở rộng – phê phán
– Bên cạnh những người sống đẹp vẫn còn có người sống vị kỉ chỉ chăm lo tới lợi ích của bản thân thờ ơ ghẻ lạnh trước cuộc sống khốn khó của những người xung quanh. Cuộc sống như thế không đáng quý mà đáng lên án
– Sống vì người khác không có nghĩa là quên bản thân mình. Sông vì người khác song cũng cần có trách nhiệm với bản thân mình như thế cuộc sống mới cân bằng và tốt đẹp
5. Liên hệ bản thân
Sống vì người khác là điều then chốt giúp mỗi thanh niên tiến tới con đường thành công và hạnh phúc. Chỉ cần chúng ta có đủ nhiệt huyết, với trái tim bao dung chắc chắn cuộc sống quanh ta sẽ tốt lên từng ngày. Hãy yêu thương nhiều hơn, hãy trao đi nhiều hơn, bởi cho đi chính là làm giàu cho tâm hồn và khiến cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa.
Câu 3:
1. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả – tác phẩm – vị trí đoạn trích và vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên được thể hiện ở trong đoạn trích đó (Có lẽ khi gấp trang sách lại, bạn đọc không thể nào quên được hình ảnh một anh thanh niên với những phẩm chất tốt đẹp qua cuộc gặp gỡ trò chuyện với ông hoạ sĩ và cô kĩ sư. Đó là lòng yêu nghề, sự say mê, tận tụy với công việc; là tình yêu lớn lao mà anh dành cho cuốn sách; là sự cởi mở, chân thành với mọi người, chan chứa tình yêu con người và cuộc sống của anh.
2. Thân bài
* Khái quát:
– Tình huống truyện: Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” được xây dựng xoay quanh một tình huống truyện khá đơn giản mà tự nhiên. Đó là cuộc gặp gỡ bất ngờ và ngắn ngủi giữa anh thanh niên, ông họa sĩ và cô kĩ sư.
– Vị trí đoạn trích: Sau khi đón khách lên thăm nhà mình và cắt hoa tặng cô gái, anh cùng khách vào nhà uống trà trò truyện. Đoạn trích trên nằm ở giữa văn bản, kể lại sự việc anh chia sẻ với khách những suy nghĩa của mình về công việc và cuộc sống
* Cảm nhận vẻ đẹp của anh thanh niên trong đoạn trích
– Luận điểm 1: Lí tưởng sống cao đẹp và lòng yêu nghề đến say mê
– Luận điểm 2: Tình yêu lớn lao mà anh dành cho những cuốn sách, anh coi sách là bạn, là cầu nối gắn kết anh với cuộc đời rộng lớn ngoài kia
– Luận điểm 3: Cởi mở, chân thành với mọi người, chan chứa tình yêu con người và cuộc sống.
* Đánh giá về những thành công nghệ thuật khi xây dựng hình tượng nhân vật anh thanh niên
“Lặng lẽ Sa pa” đã đạt được nhiều thành công trong phương diện nghệ thuật. Cốt truyện đơn giản không có những thanh âm kịch tính, hối hả. Tác phẩm như dòng suối tĩnh lặng, nhẹ nhàng chảy trôi vào đời, đi qua những ngõ ngách trong trái tim người đọc và cứ thế lắng đọng nơi sâu thẳm cõi lòng. Cách xây dựng tình huống truyện hợp lí, tự nhiên, độc đáo và đặc sắc, đó là cuộc gặp gỡ bất ngờ của những nhân vật. Trong 30 phút ngắn ngủi ấy, tác giả đã thật tài tình khi vận dụng cách kể chuyện giản dị, cách miêu tả con người và cảnh vật dưới nhiều điểm nhìn. Thành công nổi bật của tác phẩm là việc chung hòa giữa tự sự, bình luận và trữ tình. Với ngôn ngữ đậm chất hội hoạ, thiên truyện có dáng dấp như một bài thơ. Khiến ta ngây ngất trong chất men say trữ tình lãng mạn của một thiên nhiên nên thơ đến những con người làm việc lặng lẽ, quên mình vì Tổ quốc.
Tô Hoài từng nhận xét:“Mỗi truyện ngắn của Nguyễn Thành Long tương tự một trang đời, một mảng, một nét của cuộc sống chắt ra. Ta thường gặp ở Nguyễn Thành Long những nhận xét nho nhỏ, như nhắc khẽ người đọc”. Đến với “Lặng lẽ Sa pa”, ông đã gửi trao bao suy tư, chiêm nghiệm sâu sắc rằng Sapa lặng lẽ nhưng không tầm thường, Sapa mà người ta cứ nghĩ tới việc sẽ đến dừng chân để nghỉ ngơi, để tịnh dưỡng tâm hồn sau những giây phút oằn mình trong guồng quay của cuộc sống. Ở mảnh đất đó, có những con người đang thầm lặng dâng hiến thanh xuân và sức trẻ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Tác giả đã thực sự phác họa thành công chân dung của nhân vật anh thanh niên, một chân dung tuy chỉ kí họa trong mấy mươi phút nhưng vẫn có những vẻ đẹp sống mãi trong tiềm thức người độc giả.
3. Kết bài
– Nêu ấn tượng sâu sắc hoặc đánh giá chung về nội dung của đoạn trích
– Đoạn trích để lại trong em/trong chúng ta những bài học, suy ngẫm gì đặc biệt…
Gợi ý theo wikipedia – Fanpage Học văn lớp 9


[Wikipedia]