[Góc Chill]
Ngày đó nhỏ không xinh như bây giờ. Tóc ngắn, đen đúa, nhỏ con, mặt lấm tấm tàn nhang, chỉ có lúm đồng tiền là đẹp. Tụi con trai trong xóm hay trêu nó là con nhỏ súng răng. Mỗi lần thấy con bé lò dò cầm tiền đi mua đồ cho mẹ, chúng tôi đợi nó đến gần, rồi cả bọn lao ra hú hét, đứa trợn mắt, đứa ngoác miệng, đứa ngoáy mông, nói đồng thanh:
– Đồ súng răng, không chơi với đồ súng răng. Đồ súng răng…
Những lúc đó, con bé khóc to rồi chạy về nhà méc mẹ. Cũng chẳng ăn thua gì, bọn tôi đâu nói gì sai.
Tôi là đứa cầm đầu đám con nít trong xóm. Nghĩ ra được trò gì mới, tôi liền ghé tai tụi nhóc trạc tuổi mình, bày kế hoạch cho chúng nó.
Một ngày đầu hè, tôi kháo đám bạn ra vườn bắn chim. Nhỏ Lam nghe được, lật đật xin theo. Tôi với thằng Đen thi xem đứa nào bắn được nhiều hơn. Buổi đó tôi cứ bắn trật hoài. Thằng Đen cười khà khà, chọc ngoáy:
– Chuyến này mày thua rồi con.
Tức mình, tôi nhặt thiệt nhiều đá, bắn ra rả vô các lùm cây. Số đá chưa kịp vơi thì nghe từ xa một tiếng la thất thanh. Cả bọn giật mình, lật đật chạy lại. Con bé nằm dưới đất, tay ôm đầu, máu túa ra giàn giụa. Nỗi sợ hãi ập đến, tim tôi giật thon thót, người cứng đờ chỉ biết đứng chết trân một chỗ. Tiếng nhỏ Lam khóc ré lên, tiếng đám con nít nháo nhác chạy đi gọi người lớn, mọi âm thanh lúc đó làm tai tôi ù đi. Trù trừ trong giây lát, tôi nhanh trí chạy khỏi trước khi bị người khác tóm được.
Tối đến, tôi lấm lét trở về nhà. Những tưởng chiếc roi mây ba để trong góc bếp bữa nay có dịp vụt lên, nhưng kì lạ làm sao, hôm đó ba chỉ rầy cái tội đi chơi tới tối trời chưa ló mặt về, còn mẹ thì giục mau mau đánh răng rồi đi ngủ. Trèo lên giường, tôi thấy lòng bất an vô cùng.
Sáng ra, tôi qua nhà thằng Đen kiếm nó, hỏi cho ra. Thằng nhãi dụi con mắt dính ghèn, ngáp một cái rõ dài trước khi nói rằng sở dĩ tôi thoát tội là do có con nhỏ bao che. Người lớn hỏi, Lam nói nó mê trèo cây, trượt chân té đập đầu. Hú hồn hú vía! Tôi thở phào, vừa thấy mừng vừa thấy lo cho nó.
Ấy vậy mà mấy ngày trôi qua tôi cũng không dám mò tới thăm con bé. Cho tới một hôm ba mẹ mang về một cái ti vi cũ cùng bộ bàn ghế đã long chân, ba nói bên nhà cái Lam sửa soạn dọn đi rồi, tôi mới sững sờ. Sự áy náy lôi tôi dậy, lật đật chạy sang nhà nó. Căn nhà giờ đây trống hoác, đồ đạc khuân đi đâu hết chỉ còn trơ ra cái vỏ. Tôi đứng khuất sau bờ tường, chỉ dám ló đầu ra nhìn dáng con bé càng ngày càng xa. Chuyến xe ngày đó đã mang nó đi, đi xa lũy tre làng, xa đám con nít xóm Ruộng và ra khỏi tuổi thơ tôi. Nhiều ngày sau khi nhỏ đi, hình ảnh chiếc xe vàng rơm vẫn còn trong tôi mãi, chui tọt vào những giấc mơ. Tôi không hiểu sao mình cứ nhớ hoài, nhớ đau đáu về ngày đó. Chiều hôm ấy tôi thờ thẩn trở về, mùa hè nắng quéo dưới chân mà thấy lòng mình như quắc lại.
Mấy năm thanh xuân trôi qua, tôi lớn lên trên ruộng đồng biền bãi, mang theo những kỉ niệm thời thơ trẻ. Nhưng may thay, dường như càng lớn, sự day dứt trong tôi càng bé lại, chuyện cũ cũng quên đi nhiều. Nếu không có ai vô tình khơi lại, có khi tôi đã chẳng còn nhớ nữa.
Nhưng giờ thì tôi nhớ. Bởi cô bé con ngày đó đang ngồi trước mặt tôi đây. Nó không còn là con nhỏ súng răng, đen nhẻm như xưa nữa. Lam bây giờ trắng trẻo, phổng phao, xinh xắn, nhất là khi nó ngỏn ngoẻn cười để lộ lúm đồng tiền duyên ơi là duyên. Lắm khi nhìn sang ghế đối diện, tôi cứ tưởng mình đang ngồi trước cô Lam nào đó chứ chẳng phải con bé ngày xưa mình biết.
Chuyện gặp nhau cũng tình cờ. Tối nay khi tan làm, tôi vừa quẹo vô đầu hẻm thì nghe từ xa vọng lại một tiếng kêu cướp thất thanh. Ngay lúc đó, một chiếc xe máy sấn tới. Phản ứng nhanh, tôi vội chạy ra tạt đầu xe làm tên cướp ngã nhào. Cô kia trờ tới, giật phăng cái túi xách rồi quật túi bụi vào tên thanh niên còm nhom đang nằm sõng soài trên đất. Giải quyết chuyện của tên cướp xong xuôi, cô gái thỏ thẻ cảm ơn tôi. Kì diệu thay, giữa nhập nhoạng những mảng tranh sáng tranh tối, tôi nhận ra nhỏ nhờ vết bớt bợt màu trên tay. Lam mời tôi ăn tối coi như cảm ơn, tôi gật.
Nói chuyện chán chê, đến cuối buổi tôi bộc bạch:
– Ngày trước anh nợ em một lần, bây giờ coi như huề nghen.
Nhỏ nhìn tôi trân trân, hỏi lại:
– Anh nợ em hồi nào?
– Thì cái đợt anh lấy đá bắn chim làm em bể đầu đó, nhớ không?
Nhỏ ngờ ngợ, đưa tay lên xoa xoa cái trán, rồi nó nhìn tôi, cười hiền.
– Có gì đâu mà, lần đó trúng nhẹ hều, đâu có để lại sẹo.
Nghe con bé nói vậy, tôi tự thấy mắc cỡ vì hồi trước cứ đi theo chòng ghẹo nó hoài. Sẵn tiện, tôi hỏi luôn.
– Sao đợt đó em không méc ba mẹ là anh làm? Hồi đó anh bày trò phá em quá trời mà, bao che chi vậy?
– Để trả ơn anh đó. Anh còn nhớ lần tụi con nít xóm mình rủ nhau đi vô nhà hoang lúc ban đêm hông? Lúc đó có đứa bày trò hù ma, cả đám bỏ chạy tán loạn. Em chạy chậm, vấp té rồi ngồi một chỗ luôn, đau không đi nổi. May mà anh phát hiện, vòng lại cõng em về chứ không sợ chết. Sau lần đó em cứ nhớ hoài.
Cứ như vậy, câu chuyện giữa chúng tôi cứ tiếp nối từ ngày này sang ngày khác. Bên cạnh những chuyện về gia đình, những điều vụn vặt ở cơ quan, thi thoảng cuộc hội thoại còn chêm vào những từ “hồi đó”, “ngày trước”, “lúc nhỏ”. Tự bao giờ, kí ức tuổi thơ đã là sợi dây ràng rịt nối hai đứa trẻ trong hình hài người lớn lại với nhau. Qua nhiều năm, không biết đôi mắt nâu kia đã ghi lấy bao nhiêu thứ lạ lùng mà khi nhìn vào nó, tôi thấy tất thảy tâm tư của tôi nằm trong đó. Cảm giác ấy hiện lên rõ rệt hơn vào một chiều tan tầm, tôi ghé đón Lam về, sẵn tiện chở nó dạo phố vài vòng. Định bụng vậy, nhưng khi tới nơi thì đã thấy nhỏ cười cười nói nói leo lên xe một cậu trai đi mất hút. Tôi đứng bên này đường trông sang, mắt cháy âm âm một nỗi gì chua xót. Cất cái cười héo xèo, tôi trở về nhà mà thấy lòng dạ bời rời. Ngộ! Không là gì của nhau mà nghe như bị thất tình.
Tôi nhớ, có mấy lần nhỏ nói bóng gió về một gã trai nào đó, hệt như hôm nay.
– Anh Khánh ở cơ quan hẹn em chủ nhật này đi xem phim.
– Ờ.
– Anh thấy sao?
– Em thích thì đi chơi với ảnh, sao hỏi anh?
Tôi đáp cụt ngủn, tự nhiên thấy bực bội từ đâu kéo tới. Nhỏ Lam bị bất ngờ, mặt xụi lơ.
– Em tưởng cuối tuần này anh có trò hay, hôm trước nghe anh nói vậy.
– Ờ, lúc đầu cũng tính vậy. Mà xui quá, tới ngày đó anh bận rồi.
Lúc tiễn tôi về, nhỏ ngần ngừ, tính nói gì đó rồi lại thôi. Tôi phóng xe trên đại lộ thênh thang, nghe như gió thốc vào lòng. Tôi nghĩ mãi, nghĩ mãi. Sao hôm nay nhỏ Lam lại thở dài lắm thế? Cái cúi đầu im lặng hình như chất chứa điều gì thiểu não. Và lúc nhìn vào tôi, sao đôi mắt nâu của nó lại buồn dữ vậy? Tôi phanh gấp, hình như vừa đọc được điều gì từ đôi mắt đó. Dù chỉ là một chút cơ hội mỏng mảnh, tôi cũng không muốn bỏ lỡ và để nó trôi tuột đi như cái cách đã bỏ ngỏ lời xin lỗi ngày nào. Không biết tình cảm của mình là sự tiếc nuối của quá khứ hay rung cảm của hiện tại, nhưng tuổi trẻ mà, điều đáng sợ nhất không phải là ta đã làm sai điều gì mà là có những chuyện muốn làm, nhưng không dám thử. Cũng như có những người trót thương, nhưng trù trừ không dám nói.
Tôi quay đầu xe, chạy vụt về phía con ngõ nhỏ lấp lánh đèn đường. Nơi mà ít phút nữa thôi, một tiếng yêu sẽ thành lời.
Sáng tác của Hạ Trâm.

[Wikipedia – thư giãn]